Đảng, Đoàn thể

Tấm gương điển hình về học tập chủ động và đào tạo tại PXSC Điện Tự động Sơn La

Thứ ba, 2/1/2024 | 11:05 GMT+7
Gắn bó từ những ngày đầu tiên thực hiện công tác chuẩn bị sản xuất của Nhà máy thủy điện Bản Chát và Nhà máy thủy điện Huội Quảng cho đến khi đưa các tổ máy vào vận hành, Kỹ sư Đỗ Duy Quân, Phó quản đốc PXSC Điện Tự động Sơn La đã trở thành kỹ sư có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn được phụ trách, trở thành một trong những tấm gương điển hình trong phong trào học tập chủ động tại Trung tâm dịch vụ sửa chữa tại thủy điện Sơn La, được các đồng nghiệp và các cấp lãnh đạo đánh giá cao.

Tinh thần học tập chủ động

Tốt nghiệp khoa Tự động hóa, Trường đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2005 anh được nhận vào EVN thực hiện công tác chuẩn bị sản xuất Nhà máy thủy điện Đại Ninh, gắn bó với Thủy điện Đa Nhim và Thủy điện Đại Ninh từ năm 2005 đến 2010. Tháng 6 năm 2010 anh được nhận vào công tác tại Ban chuẩn bị sản xuất Nhà máy thủy điện Bản Chát. Lúc này Nhà máy đang trong quá trình xây dựng và cần tạo bộ khung lao động cốt lõi để phục vụ cho công tác vận hành và sửa chữa sau này. Tháng 10 năm 2010 Anh được cử đi đào tạo Trưởng ca tại NMTĐ Hòa Bình. Trong thời gian theo học tại đây, với tinh thần chịu khó, cầu tiến, ngoài việc tiếp thu các kiến thức về vận hành nhà máy thủy điện theo chương trình giảng dạy, anh cùng các đồng nghiệp đã chủ động tìm hiểu thiết kế kỹ thuật của nhà máy Thủy điện Bản Chát. Sau khóa đào tạo Anh bắt tay ngay vào công việc giám sát lắp đặt thiết bị, biên dịch, biên soạn các quy trình sửa chữa - bảo dưỡng, quy trình vận hành góp phần không nhỏ cho công tác vận hành Nhà máy khi được bàn giao.

Trong suốt nhiều năm qua, Anh đã trải qua các vị trí từ Tổ trưởng tổ Điện-Tự động, Phó quản đốc PXSC Điện -Tự động. Khi thành lập Trung tâm cho đến nay, Anh tiếp tục được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ Phó quản đốc PXSC Điện -Tự động phụ trách Nhà máy Thủy điện Huội Quảng, Nhà máy thủy điện Bản Chát, Anh luôn là người đi đầu trong công tác sửa chữa bảo dưỡng thiết bị trong nhà máy.

Anh Quân kiểm tra thiết bị trước khi hòa lưới Tổ máy số 1 NMTĐ Huội Quảng sau SCL năm 2023

Trong quá trình công tác, Anh còn không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn của mình để phục vụ cho công việc. Năm 2020 Anh đã hoàn thành lớp đào tạo Thạc sĩ Kỹ thuật điện tại trường đại học Công Nghiệp Hà Nội. Qua đó giúp Anh hiểu sâu hơn về Kỹ thuật điện và tự động hóa cũng như theo kịp với sự phát triển của công nghệ, cập nhật kiến thức theo thời đại. Bên cạnh đó Anh còn được cử đi đào tạo các khóa học cho các ứng viên chuyên gia EVN giúp củng cố và nâng cao kiến thức chuyên môn. Khi Tập đoàn áp dụng sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị theo RCM, Anh cũng là người tiên phong trong công tác đào tạo nhận thức, tham gia nhiều lớp điều phối viên nội bộ do đơn vị phát điện và Tập đoàn tổ chức.

Chia sẻ kiến thức với đồng nghiệp để cùng nhau tiến bộ

Ngoài việc thường xuyên học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn phục vụ cho nhiệm vụ của mình. Trong quá trình công tác, Đỗ Duy Quân còn tích cực đóng góp cho công tác đào tạo nội bộ và tự đào tạo của đơn vị cũng như chia sẻ kiến thức mình học được với đồng nghiệp. Từ khi các Tổ máy bắt đầu vận hành, Anh đã tổ chức tổng hợp, cập nhật các bản vẽ công nghệ, tài liệu kỹ thuật trong nhà máy, phần mềm, chương trình các hệ thống thiết bị trong nhà máy, lưu trữ dữ liệu và chia sẻ cho các thành viên trong phân xưởng qua Zalo, email…vv

Anh còn luôn tích cực hỗ trợ các kỹ sư, công nhân trong công tác chuyên môn như lập kế hoạch, dự toán, phương án kỹ thuật SCL, SCTX. Trực tiếp lập nhiều PAKT khắc phục sự cố phức tạp, kéo dài nhiều ngày… Ngoài ra Anh cũng là giảng viên nội bộ của đơn vị, trực tiếp kèm cặp, đào tạo bồi dưỡng nghề cho các công nhân, nhờ đó mà tất cả các công nhân tham dự kỳ thi sát hạch nghề, giữ bậc và nâng bậc năm 2023 đều đạt kết quả rất tốt.

Tiên phong trong phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật

Bằng tinh thần lao động sáng tạo, trong suốt nhiều năm công tác, kỹ sư Đỗ Duy Quân đã có nhiều giải pháp hợp lý hóa sản xuất, sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao độ tin cậy của hệ thống được các cấp công nhận. Nổi bật, trong năm 2023 Anh là tác giả của 02 sáng kiến cấp EVN gồm “ Nâng cao độ tin cậy chức năng điều khiển từ xa tổ máy H1, H2 Nhà máy thủy điện Bản Chát” và “Cải tạo hệ thống trạm bơm hành lang thân đập 372m Nhà máy thủy điện Bản Chát”. Bên cạnh đó, Anh cũng là người hướng dẫn, hỗ trợ các kỹ sư, công nhân trong phân xưởng thực hiện bảo vệ thành công 03 sáng kiến cấp EVN, 01 sáng kiến cấp Trung tâm.

Anh Quân tham gia bảo vệ sáng kiến tại EVN năm 2023

Với những cố gắng không ngừng, anh đã đạt nhiều thành tích Chiến sỹ thi đua cơ sở vào các năm 2011, 2012, 2017, 2018, 2023. Bằng khen của Tập đoàn Điện Lực Việt Nam vào các năm 2015, 2016, 2022, 2023. Hàng năm Anh đều được Đảng ủy cấp trên đánh giá hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Anh Quân nhận bằng khen cấp EVN năm 2022 ( Người thứ tư từ trái sang)

Chia sẻ về người đồng nghiệp, Ông Trần Văn Thừa – Trưởng đại diện Trung tâm dịch vụ sửa chữa tại thủy điện Sơn La cho biết: “ Kỹ sư Đỗ Duy Quân luôn hoàn thành nhiệm vụ với trách nhiệm cao, tận tâm, hết mình trong mọi công việc. Đó cũng là một tấm gương điển hình về học tập chủ động và đào tạo tại đơn vị mà chúng tôi luôn muốn các anh em noi theo, nhất là trong bối cảnh làm việc đa nhiệm, sẵn sàng hoàn thành nhiều nhiệm vụ được giao, để phù hợp với sự vận động và phát triển bền vững của Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN”.

Nguyễn Đình Tú - Phân xưởng SCĐTĐ thủy điện Sơn La