Chuyển đổi số

Phát triển nguồn nhân lực: Chìa khóa để chuyển đổi số thành công

Thứ ba, 9/11/2021 | 12:43 GMT+7
(Mic.gov.vn) - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở thành trở ngại lớn cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Vietnam+)

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Việc chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa một mặt thúc đẩy kinh tế phát triển nhưng cũng là một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến việc trên bởi nền kinh tế trong nước vẫn dựa nhiều vào các lĩnh vực sử dụng lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên và trình độ lao động còn nhiều hạn chế.

Nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu mới

Tại hội thảo “Chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,” ngày 18/11, ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ sở nền tảng đồng thời là điều kiện cơ bản để nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ, từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng (dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp) sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu (dựa trên kinh tế tri thức, kinh tế số và lao động có trình độ công nghệ cao). Song, điều này cũng sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong cung-cầu của thị trường lao động.

Ông An đánh giá trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực đã được chú trọng, quan tâm. Theo đó, các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản về phát triển nguồn nhân lực, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và tạo động lực cho việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng.

“Nguồn nhân lực của đất nước được tăng cường về quy mô từ 50,4 triệu người (năm 2010) lên 56,2 triệu người (năm 2020). Về chất lượng, tỷ lệ lao động qua đào tạo cũng tăng từ 40% (năm 2010) lên khoảng 65% (năm 2020), trong đó có một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế như y tế, cơ khí, công nghệ, xây dựng,” Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương trao đổi.

Hội thảo “Chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra vào ngày 18/11 (Ảnh: Vietnam+)

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông An thẳng thắng nhìn nhận việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian qua còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Trên bình diện quốc gia, Việt Nam mới đưa ra chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực nói chung và chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đời sống, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo vẫn còn lớn cộng thêm chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề lại thiếu hợp lý. Điều này khiến cho xã hội một mặt thiếu lực lượng lao động có trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề cao, mặt khác lại thừa lao động thủ công, không qua đào tạo.

Về nguyên nhân của vấn đề này, ông An cho rằng việc xây dựng đội ngũ, đào tạo bồi dưỡng và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp có phẩm chất và bản lĩnh, có trình độ năng lực và chất lượng còn nhiều bất cập. Nhiều lĩnh vực thiếu đội ngũ chuyên gia có chuyên môn về kinh tế, kỹ thuật và công nhân lành nghề.

“Sự kém phát triển, thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao đang trở thành trở ngại lớn cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế,” ông An nhấn mạnh.

Làm gì để phát triển nhân lực chất lượng cao?

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 52 nêu bật chủ trương của Đảng liên quan trực tiếp đến việc chuyển đổi số.

Ông nhấn mạnh: “Đây là chuyển đổi hình thức cung cấp các dịch vụ truyền thống sang cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số, được gọi là chương trình chuyển đổi số, trong đó tích hợp của nhiều công nghệ khác nhau (công nghệ thông tin đóng vai trò chủ đạo với hạt nhân là trí tuệ nhân tạo - AI và dữ liệu lớn).”

Ông Quân chỉ ra 5 vấn đề cần phải làm rõ đối với quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, đó là vai trò của các trường đại học trong việc đáp ứng sự thay đổi và biến động của nghề nghiệp; Chuẩn kiến thức tối thiểu của người tốt nghiệp đại học trong thế kỷ 21; Khả năng của con người về kiểm soát các quyết định của máy tính; Chuẩn mực đạo đức trong giảng dạy và nghiên cứu các công nghệ mới; Sự sáng tạo và nuôi dưỡng sáng tạo cho sinh viên của các trường đại học. 

Phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh(Ảnh: Vietnam+)

Trên cơ sở đó, ông Quân đề xuất chiến lược đào tạo trong giai đoạn tới, bao gồm các bước: Đổi mới (mở mới ngành trí tuệ nhân tạo – AI, đào tạo tích hợp từ đại học đến tiến sỹ và khối doanh nghiệp); Củng cố (cập nhật đào tạo liên ngành, công nhận tín chỉ về AI, kiểm định các chương trình đào tạo AI); Bồi dưỡng (sinh viên chuyên toán, tin ở bậc phổ thông, giáo viên-giảng viên, công chức, viên chức Nhà nước); Hợp tác (đối tác chiến lược quốc tế nhằm cập nhật chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng giảng viên và liên thông đào tạo).

Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho quá trình chuyển đổi số quốc tế tại hội thảo, ông David Wei, Tổng giám đốc, Huawei Việt Nam cho biết khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khoảng 47 triệu lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin vào năm 2030 với chi phí cơ hội hàng năm là 4.238 tỷ USD. Qua khảo sát, hơn 50% giảm đốc điều hành trong khu vực cũng cho hay rất khó tìm kiếm được nguồn nhân lực phù hợp. Song, ông cho rằng đây là cơ hội lớn đối với Việt Nam.

Ông phân tích với thực trạng mất cân đối lớn giữa nguồn cung và cầu về nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó 70 % nhu cầu nằm trong các lĩnh vực mới nổi, như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật - IoT và AI. Kế hoạch trong thời gian tới, Huawei sẽ đầu tư 50 triệu USD với mục tiêu đào tạo 500.000 chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và thiết lập tám học viện cho các quốc gia ASEAN.

Chiến lược quan trọng của Huawei tại Việt Nam trong tương lai là hợp tác với các đối tác hình thành 15 học viện Huawei, phối hợp với 100 cơ sở (của các trường đại học và các tổ chức) để đào tạo hơn 10.000 sinh viên trong ngành.

“Huawei sẵn sàng hợp tác với các trường đại học và học viện của Việt Nam để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại địa phương, thông qua việc tăng cường chuyển giao kiến thức, thúc đẩy sự hiểu biết và quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực công nghệ thông tin cũng như sự tham gia trong cộng đồng kỹ thuật số,” ông David trao đổi./.

 

Theo: Mic.gov.vn