Hiện nay, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và là xu thế tất yếu trên thế giới, được nhiều quốc gia nghiên cứu, ứng dụng và phát triển. Đặc biệt, do tác động của đại dịch COVID-19, chuyển đổi số đã không còn là lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia, doanh nghiệp (DN).
Tại Diễn đàn Tài chính trực tuyến 2021 do Thời báo Tài chính phối hợp với một số đơn vị vừa tổ chức, các chuyên gia cho rằng cần biến khó khăn do dịch bệnh bủa vây thành động lực chuyển mình.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, ngành tài chính đã có được thành công trong ứng dụng tin học hóa và số hóa. Trong đó, lĩnh vực quản lý thuế và hải quan đã có bước tiến vượt bậc, mang tính chất thay đổi căn bản, chuyển từ phương thức quản lý dịch vụ công dựa trên giấy tờ, giao tiếp trực tiếp, chuyển sang phương thức quản lý hiện đại, dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng thiết bị hiện đại hóa để số hóa. Nhờ đó, doanh nghiệp (DN), người dân đã thấy rõ sự công khai minh bạch về thuế từ việc thực hiện ứng dụng này. Thời gian làm thủ tục đã rút ngắn rất nhiều.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, hầu hết các ngành kinh tế đều bị thiệt hại nhưng vẫn có những ngành tận dụng được cơ hội để phát triển.
Ví dụ, lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó, bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%; gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%; tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%.
Dự báo: Tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử cả nước đạt 52 tỷ USD.
|
Các giao dịch thuế, hải quan được điện tử hoá, DN có thể giao dịch 24/7 nhanh chóng qua hệ thống mạng máy tính. Nhiều thủ tục trước đây hao phí bằng ngày, thì hiện nay chỉ tính bằng phút. Trong bối cảnh đại dịch, các hoạt động giao tiếp trực tiếp không thực hiện được do yêu cầu giãn cách xã hội thì các dịch vụ thuế, hải quan điện tử giúp ích rất nhiều. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, việc điện tử hoá các hoạt động giao dịch trên có thể tiết kiệm hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Chuyển đổi số đồng bộ là hướng phát triển
Từ góc nhìn DN, ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực chuyển đổi số Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho rằng tác động của dịch COVID-19 gây nhiều thiệt hại nhưng đó cũng là "sức ép" buộc đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số.
Trong bối cảnh dịch bệnh có thể còn kéo dài, DN nào tiếp cận được khách hàng qua online nhiều nhất sẽ ít bị thiệt hại nhất. Ngược lại, sự chậm trễ trong chuyển đổi số khiến DN dễ bị tổn thương. Do đó, việc đổi mới cách thức quản trị, tích tụ dữ liệu thông minh cho DN, sử dụng hiệu quả các nền tảng trực tuyến sẽ có nhiều cơ hội vượt qua khó khăn, thậm chí tận dụng cơ hội phát triển.
Riêng với lĩnh vực ngân hàng, ngay từ năm 2020, NHNN đã cho phép triển khai mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử (eKYC). Điều này giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc và trong bối cảnh dịch COVID-19, các ngân hàng vẫn có thể phát triển giao dịch mở tài khoản từ xa.
Tuy nhiên, theo đại diện VNPT, dù Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi số nhưng hoạt động này trên thực tế diễn ra vẫn chưa đồng đều, trong đó, các cơ quan Nhà nước thường chưa đáp ứng kịp nhu cầu thực tế của DN. Từ đó, ông Ngô Diên Hy cho rằng để thích ứng, các cơ quan Nhà nước cũng cần triển khai chuyển đổi số đồng đều hơn, coi đây là thời điểm đẩy nhanh tiến trính số hóa, cải cách.
Còn theo TS. Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính), ngành tài chính đang xây dựng kiến trúc tổng thể, hướng tới tài chính số. Mục tiêu là sẽ thiết lập xong hệ sinh thái tài chính số, trong đó, Chính phủ đóng vai trò kiến tạo, kết nối với các đơn vị thông qua việc mở, chia sẻ dữ liệu nền tảng số hóa...
Để đạt được điều này, hệ sinh thái tài chính số phải có năng lực xây dựng, tích hợp, chia sẻ dữ liệu… Các dữ liệu tài chính ngân sách là nguyên liệu cho người dân, DN khai thác để sản sinh được các dịch vụ số phù hợp mô hình kinh doanh, nhu cầu của mình, qua đó tối ưu hóa kế hoạch kinh doanh.
Biến khó khăn bủa vây thành động lực chuyển mình
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), dịch COVID-19 gây nhiều khó khăn cho các quốc gia, DN cũng như sinh kế của con người. Nhưng ngược lại đó cũng chính là chất “xúc tác” để các chủ thể của nền kinh tế buộc phải đẩy nhanh tiến trình cải cách. Nếu đẩy nhanh cải cách, số hoá, tận dụng thành công cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì các DN, nền kinh tế có thể bù đắp được những thiệt hại do COVID-19 gây ra.
Ở nước ta, chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 đã chỉ rõ 8 lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hằng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí, cần ưu tiên chuyển đổi số trước, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Với vai trò mạch máu của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số nói chung và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác.