Chuyển đổi số

Tham gia thị trường toàn cầu: Hướng đi nào cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp

Thứ bảy, 23/10/2021 | 12:58 GMT+7
Sự phát triển của công nghệ đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp trong nước vươn ra thị trường nước ngoài nhanh chóng và hiệu quả, song đi kèm với đó cũng là vô số thách thức.

DN Việt Nam trong nền kinh tế số

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và quá trình chuyển đổi số (CĐS) đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với các DN nói chung và DN đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp nói riêng. Những tác động ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 được xem là chất xúc tác thúc đẩy các DN ứng dụng công nghệ số để phát triển kinh tế số. Các giao dịch mua bán trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng mạnh trong những đợt dịch bùng phát, từ đó hình thành nên một thói quen mới cho người tiêu dùng.

Chưa khi nào các DN lại nhận thấy tầm quan trọng sống còn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với CĐS như hiện nay. Báo cáo "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" cho thấy công nghệ số giúp các DN giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 và có thể tạo ra giá trị kinh tế hằng năm là 1.216 nghìn tỷ đồng (52 tỷ USD) vào năm 2030. Bằng cách hỗ trợ DN kết nối với khách hàng thông qua công nghệ số và giảm thiểu tắc nghẽn hậu cần (logistics) do gián đoạn chuỗi cung ứng, công nghệ có thể giúp DN kiểm soát các tác động nghiêm trọng của COVID-19.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, các DN đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức khi tham gia nền kinh tế số. Chia sẻ về vấn đề này tại hội thảo trực tuyến "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" diễn ra mới đây, ông Vũ Thái Hà, Giám đốc điều hành eDoctor, một nền tảng ứng dụng di động phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, y tế của người dùng, cho biết có 3 thách thức lớn. 

Cụ  thể, theo ông Hà, đầu tiên là thói quen của người dùng, nói chính xác hơn là các startup đã mang lại giá trị gì để thay đổi thói quen của người dùng. Đây là câu hỏi mà eDoctor đã đặt ra từ 6-7 năm trước và chỉ có thể vượt qua khi tìm ra được mô hình phù hợp với người sử dụng. Với eDoctor, startup này đã tập trung mọi nguồn lực vào việc giúp người dùng quản lý thông tin sức khoẻ; cung cấp cho họ nguồn thông tin chính xác, đủ tốt để họ nâng cao kiến thức về sức khỏe của mình, theo dõi sức khoẻ; đồng thời người dùng cũng có thể tìm kiếm dịch vụ để cải thiện sức khỏe ngay trên ứng dụng của eDoctor. Kiên định với con đường đó để phát triển, đến nay eDoctor đã được người dùng chấp nhận rộng rãi, đặc biệt khi đại dịch COVID-19 bùng phát đã làm thay đổi hành vi của của người tiêu dùng và việc khám chữa bệnh từ xa trở nên phổ biến.

Thách thức thứ hai là do những đặc thù riêng của ngành y tế, nên các nền tảng số cần phải tạo ra giá trị mới trong lĩnh vực này cho người dùng. eDoctor xác định hai ưu tiên, đó là tự động hóa quy trình cung cấp dịch vụ để tạo ra sự thuận tiện cho người sử dụng và đem dịch vụ tới gần họ hơn. Đồng thời, phát triển và tích hợp trong hệ thống những công cụ phục vụ cả người dùng và đội ngũ y bác sỹ, nhằm phục vụ trực tiếp công tác khám chữa bệnh và theo dõi sức khoẻ.

Thách thức cuối cùng là mức độ sẵn sàng của các đơn vị y tế khi tham gia vào hệ sinh thái mà eDoctor xây dựng.

Còn theo ông Huỳnh Lâm Hồ, CEO của Haravan, một startup kinh doanh phần mềm dưới dạng cung cấp dịch vụ cho các đối tác kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), khó khăn lớn nhất của DN này trong giai đoạn đầu là tiếp cận thị trường như thế nào để phục vụ hàng trăm nghìn DN và không chỉ giới hạn khách hàng tại Việt Nam. Đó chính là lý do ngay từ đầu Haravan lựa chọn cung cấp phần mềm như một dịch vụ chứ không phải là đơn vị cung cấp phần mềm. Và làm sao để các nhà kinh doanh, các nhà bán lẻ tin cậy vào dịch vụ của 1 startup mới thành lập chính cũng là một khó khăn lớn.

Ngoài những nỗ lực về mặt công nghệ, Haravan còn hợp tác với nhiều đơn vị khác để tạo thành một hệ sinh thái sản phẩm, nhằm mang lại giá trị tốt nhất cho các nhà bán lẻ, bao gồm từ xây dựng website, quản lý đơn hàng đến giao hàng, quản lý tồn kho,... Với số vốn ban đầu ít, không đủ ngân sách để thực hiện các chương trình quảng cáo, Haravan đã chọn các tiếp cận những người có ảnh hưởng tới các người bán lẻ... để chứng minh năng lực, từ đó thuyết phục các bên tham gia hệ sinh thái và người khách hàng cuối tin tưởng Haravan.

Haravan kinh doanh phần mềm dưới dạng cung cấp dịch vụ cho các đối tác kinh doanh TMĐT

Đến nay, Haravan đã trở thành đối tác tin cậy, đồng hành với 50.000 DN từ quy mô tập đoàn cho đến các DN vừa và nhỏ phát triển và tăng trưởng. Sản phẩm của DN cũng được mở rộng theo nhu cầu phát triển của thị trường, từ tạo website đơn giản, cho đến những tính năng phức tạp như giải pháp quản lý bán hàng đa kênh, nền tảng tối ưu kinh doanh và quảng cáo trên Facebook, Google; chatbot tư vấn khách hàng tự động… Quý 1/2021, số người kinh doanh và DN chuyển đổi lên online thông qua giải pháp công nghệ của đơn vị này đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng đơn hàng qua kênh mạng xã hội cũng tăng hơn 70%.

"Thách thức luôn là cơ hội, càng thách thức thì cơ hội càng lớn. Nếu chúng ta giải quyết được bài toán đó thì chúng ta sẽ thành công", CEO của Haravan, nhấn mạnh.

Hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tham gia thị trường toàn cầu

Sự phát triển của công nghệ cũng đã tạo điều kiện cho các DN khởi nghiệp trong nước vươn ra thị trường nước ngoài. Sau khi trở thành đối tác chiến lược của hai "gã khổng lồ" Google và Facebook, Haravan cũng đã quyết định mở rộng hoạt động tại Đông Nam Á, trước mắt là Philippines và Thái Lan trong năm 2022. Theo ông Huỳnh Lâm Hồ, CEO Haravan, đây là thời điểm vàng để DN công nghệ Việt Nam gia tăng thị phần trên thị trường quốc tế.

Chia sẻ về lý do lựa chọn 2 thị trường trên, CEO Haravan cho biết, tác động của COVID-19 tại Philippines và Thái Lan khá nặng nề, khiến nhiều DN phải thu hẹp hoạt động. Trong khi đó, các DN công nghệ Việt như Haravan đang có nhiều lợi thế nhờ trình độ công nghệ tốt, dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát và DN đã thích nghi với hình thức làm việc từ xa.

Nhưng mở rộng thị trường quốc tế theo cách nào nhanh nhất và với chi phí hiệu quả nhất lại là một bài toán? Ông Huỳnh Lâm Hồ, cho biết vấn đề mấu chốt là phải xác định xem sản phẩm có phù hợp với thị trường đó hay không, sau đó là lựa chọn đối tin cậy để thông qua đó tiếp cận khách hàng. Và đội ngũ Haravan lựa chọn là đồng hành cùng Google và Facebook, hai nền tảng công nghệ phổ biến nhất hiện nay trên toàn thế giới. Năm 2019, Haravan chính thức trở thành đối tác công nghệ bán lẻ duy nhất của Google tại châu Á và cũng là đối tác công nghệ tiếp thị đầu tiên của Facebook tại thị trường Việt Nam.

Các diễn giả tham gia tọa đàm tại hội thảo trực tuyến "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam".

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Khánh Trình, CEO của Clever Group, nhấn mạnh, khảo sát thị trường và chuẩn bị nhân sự là quan trọng nhất để giúp các startup từng bước thâm nhập thị trường quốc tế. Theo đó, sự am hiểu thị trường sẽ giúp DN nắm bắt được vấn đề và có hướng tiếp cận phù hợp để giải quyết các bài toán mà khách hàng đặt ra.

Có thể thấy, các startup đều là những DN có tiềm năng lớn, có nhiệt huyết và tham vọng nhưng họ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để có thể đi xa hơn và vươn ra thị trường quốc tế. Theo các chuyên gia, cần có chính sách hỗ trợ của Chính phủ để các startup có cơ hội tiếp cận những dự án, chương trình hành động lớn của nhà nước cũng như các chương trình, tập huấn nâng cao năng lực cho startup.

Các chương trình kỹ năng số như "Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0" và "Lập trình cho tương lai cùng Google", theo CEO Haravan, đã hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và kỹ năng số cho nguồn nhân lực, đặc biệt đối với các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa có mong muốn tận dụng công nghệ số để cải thiện năng suất và tiếp cận khách hàng. Các sản phẩm của Google như Google Play, Google Search, Google Ads, AdSense, Google Maps, Google Drive, YouTube, Google Docs... cũng như các chương trình hợp tác với chính phủ cũng giúp đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa các DN trong nước.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết, trong thời gian qua, NIC đã phối hợp với các đối tác như Google, Amazon… tổ chức các chương trình, tập huấn trực tuyến và nâng cao năng lực công nghệ, ứng dụng TMĐT, CĐS cho nguồn nhân lực và DN Việt Nam như: Retail University, phát triển nguồn nhân lực cho DN về lập trình viên, kỹ năng số (AI, Machine Learning, game mobile …).

"Trong thời gian tới, NIC sẽ tiếp tục đồng hành bằng việc xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho DN nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho DN phát triển về công nghệ số", ông Vũ Quốc Huy cho hay./.

Theo: ictvietnam.vn