Chân dung Kỹ sư Đỗ Mạnh Hùng - Ảnh: Trịnh Nga
Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên, Kỹ sư Đỗ Mạnh Hùng về nhận công tác tại Ban chuẩn bị sản xuất Nhà máy Thủy điện Huội Quảng – Bản Chát trực thuộc Ban quản lý dự án Thủy điện 1, nay là Công ty Thủy điện Huội Quảng – Bản Chát. Mặc dù công tác tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, kinh tế khó khăn nhưng thấu hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa của 02 Nhà máy Thủy điện Huội Quảng và Bản Chát tổng công suất lắp máy 740MW đối với ngành điện đất nước, cùng với lòng nhiệt huyết, chàng sinh viên đã quyết tâm cống hiến tài năng, tuổi trẻ tại mảnh đất xa xôi này.
Những phẩm chất, năng lực của Kỹ sư Đỗ Mạnh Hùng nhanh chóng được thể hiện. Anh được phân giao về PXSC Điện – Tự động, phụ trách hệ thống Rơ le bảo vệ. Đến năm 2017 là Tổ phó Tổ tự động, PXSC Điện – Tự động, Công ty Thủy điện Huội Quảng – Bản Chát. Sau khi Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN thành lập trên cơ sở tách các PXSC về Trung tâm, Anh tiếp tục được giao nhiệm vụ Tổ trưởng – Tổ Tự động của PXSC Điện – Tự động tại Thủy điện Huội Quảng – Bản Chát cho đến nay.
Nói về Tổ trưởng Đỗ Mạnh Hùng. Ông Lê Như Khang, Trưởng đại diện, Quản đốc PXSC Điện – Tự động cho biết: Trong nhiều năm qua, Anh Hùng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là người có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Anh luôn làm tốt vai trò của một người Tổ trưởng sản xuất, tham mưu lãnh đạo Phân xưởng đưa ra các phương án sửa chữa thích hợp, giải pháp xử lý sự cố nhanh chóng kịp thời. Tổ của Anh luôn dẫn đầu trong các phong trào thi đua sản xuất kinh doanh của Phân xưởng.
Ông Đỗ Duy Quân, Phó quản đốc PXSC Điện – Tự động chia sẻ: Anh Hùng là một kỹ sư nhiệt huyết với công việc. Mỗi khi có sự cố, anh Hùng luôn có mặt tại hiện trường kịp thời để cùng anh em tìm cách sửa chữa, khắc phục, nhanh chóng xử lý khiếm khuyết, tồn tại Nhà máy. Hùng cũng là một người luôn biết truyền lửa cho các anh em khác học hỏi kinh nghiệm.
Sáng kiến nổi bật…….
Trăn trở trước những bất cập, khiếm khuyết của hệ thống Tự động 02 nhà máy. Anh Đỗ Mạnh Hùng đã có nhiều sáng kiến khắc phục triệt để tồn tại, nâng cao tính khả dụng của thiết bị công nghệ. Trong đó nổi bật là sáng kiến “Thiết kế, bổ sung điện trở hạn chế điện áp cho rơ le giám sát cuộn cắt (số 1, số 2) pha A của máy cắt 232 trong tủ rơ le bảo vệ UPP10 ngoài trạm phân phối 220KV Huội Quảng” là một trong những sáng kiến cũa Kỹ sư Đỗ Mạnh Hùng được công nhận là sáng kiến cấp EVN năm 2018.
Từ tháng 10/2015 đưa tổ máy số 01 Nhà máy Thủy điện Huội Quảng và trạm phân phối 220KV vào vận hành. Sau mỗi lần đóng/cắt máy cắt 220KV thường xuyên bị hư hỏng các rơ le giám sát cuộn cắt. Giá thành của mỗi rơ le là tương đối cao nên nếu xảy ra hư hỏng thường xuyên phải thay thế thiết bị gây tổn thất về kinh tế, hơn nữa trong trường hợp cuộn cắt của máy cắt bị hư hỏng mà rơ le không giám sát được trạng thái làm việc của cuộn cắt nếu có sự cố xảy ra cuộn cắt không làm việc dẫn đến máy cắt không tác động gây sự cố lan tràn mất điện trong diện rộng làm ảnh hưởng đến sự ổn định của toàn hệ thống điện.
Sau nhiều tháng ròng rã nghiên cứu tài liệu, trao đổi với các chuyên gia và lãnh đạo Phân xưởng. Cuối cùng Kỹ sư Hùng đã tìm ra giải pháp đó là thiết kế, bổ sung các điện trở hạn chế cho pha A máy cắt 232. Trải qua nhiều buổi bảo vệ cấp Phân xưởng, cấp Công ty. Giải pháp được thử nghiệm và áp dụng thực tiễn cho rơ le giám sát cuộn cắt 1A, 2A máy cắt 232 trong tủ rơ le UPP10 từ 24/10/207 đến nay. Hiện tại, sau khi áp dụng giải pháp, thiết bị làm việc an toàn trong quá trình vận hành bình thường cũng như sự cố với máy cắt 232 của ngăn lộ 232 và toàn bộ máy cắt trạm 220kV nhà máy thủy điện Huội Quảng. Làm lợi hàng trăm triệu mỗi năm cho NMTĐ Huội Quảng nếu phải thay thế thiết bị.
Bảo vệ sáng kiến EVN năm 2018 – Giải pháp: “Thiết kế, bổ sung điện trở hạn chế điện áp cho rơ le giám sát cuộn cắt (số 1, số 2) pha A của máy cắt 232 trong tủ rơ le bảo vệ UPP10 ngoài trạm phân phối 220KV Huội Quảng”
Đây chỉ là một trong nhiều sáng kiến của Mạnh Hùng đang được áp dụng tại Nhà máy Thủy điện Huội Quảng và có thể áp dụng cho các trạm phân phối khác. Đây cũng là sáng kiến đáng nhớ nhất với Anh vì quá trình “chinh phục” đòi hỏi nhiều thời gian, công sức nhất. Ngoài ra Anh còn tham gia rất nhiều phương án cải tạo, nâng cấp thiết bị giúp đảm bảo vận hành các tổ máy một cách an toàn, ổn định, liên tục.
Một đoàn viên sôi nổi……
Không chỉ đam mê công việc, trong vai trò là một đoàn viên công đoàn, anh Hùng luôn tích cực tham gia các hoạt động tương thân tương ái, thường xuyên quan tâm và động viên đồng nghiệp vượt qua những khó khăn vất vả trong cuộc sống nên luôn được mọi người quý mến, tin yêu.
Kỹ sư Đỗ Mạnh Hùng tham gia dựng nhà dân thuộc hộ nghèo tại Than Uyên cùng Đoàn thanh niên Công ty Thủy điện Huội Quảng – Bản Chát.
Công tác tại vùng sâu, vùng xa, vì vậy các hoạt động VHVN – TDTT được lãnh đạo Trung tâm và lãnh đạo Phân xưởng rất quan tâm. Là một người đoàn viên năng nổ, với lòng nhiệt huyết tuổi trẻ. Anh Hùng luôn tham gia tích cực trong phong trào VHVN – TDTTT do Trung tâm và Đơn vị phát điện tổ chức qua đó gắn kết tinh thần đoàn kết giữa 02 đơn vị.
Với những nỗ lực trong quá trình công tác Kỹ sư Đỗ Mạnh Hùng đã đạt được nhiều danh hiệu như lao động tiên tiến các năm từ (2014 -2018), chiến sỹ thi đua cơ sở các năm 2015, 2017, 2018. Bằng khen Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2018. Bằng khen lao động sáng tạo của tổng liên đoàn lao động Việt Nam năm 2018. Đây là những phần thưởng xứng đáng dành cho sự tâm huyết và những nỗ lực không biết mệt mỏi của Kỹ sư Đỗ Mạnh Hùng cho sự phát triển của PXSC Điện – Tự động nói riêng và Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN nói chung.