Đảng, Đoàn thể

Người hết mình để dòng điện sáng lên

Thứ ba, 15/10/2019 | 09:10 GMT+7
Công ty Thủy điện Hòa Bình nằm ở trung tâm của Thành phố Hòa Bình, Tỉnh Hòa Bình, cách thủ đô Hà Nội hơn 60 km. Nhà máy Thủy điện Hòa Bình là một trong những công trình có vị thế đẹp và quan trọng hàng đầu của Điện lực Việt Nam. Ở đó cũng có những con người tài hoa điển hình như anh Quách Đức Toàn ở phân xưởng sửa chữa cơ khí (PSK) Công ty TĐ Hòa Bình trước đây, nay thuộc Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN (EVNPSC) tại Thủy điện Hòa Bình; Anh Toàn sinh ngày 31/01/1966 tại Lương Xá – Hiệp Cường – Kim Động – Hưng Yên. Anh là công nhân sửa chữa cơ khí bậc 7/7, công tác tại Công đoạn sửa chữa cơ khí thủy lực – Phân xưởng sửa chữa cơ khí. Anh là người gần gũi, hòa đồng, dễ chia sẻ, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp, không ngại khó, ngại khổ, nên anh chị em đồng nghiệp trong công đoạn, Phân xưởng nói riêng, và của EVNPSC nói chung đều yêu quí

Anh Toàn bên đập thủy điện Tà Thàng – Lào Cai trong chuyến đi công tác

Anh Toàn chia sẻ: Năm 1987 khi được điều về Phân xưởng máy NMTĐ Hòa Bình, phần lớn các thiết bị cơ khí đồ sộ, cấu tạo phức tạp nằm trong hang hầm, không gian hạn chế. Anh đã không ngừng học hỏi các chuyên gia Liên xô, tìm hiểu thiết bị, nắm bắt được công nghệ tránh những nguy cơ rủi ro, mất an toàn cho người và thiết bị, tránh gây ra sự cố, do chất lượng sửa chữa không đảm bảo. Cuối năm 1994 khi khánh thành NMTĐ Hòa Bình, các chuyên gia Liên xô đã về nước đây là thời điểm khó khăn nhất, đòi hỏi các CBCNV của ta phải tiếp quản và làm chủ hoàn toàn các công trình của thủy điện, đòi hỏi mỗi CBCNV phải có kiến thức, nắm vững các quy trình, quy phạm trước khi công tác trên các thiết bị, nên bản thân Anh có phần bỡ ngỡ, gặp nhiều khó khăn. Với sự hướng dẫn tận tình của các kỹ sư cán bộ kỹ thuật PX và phòng kỹ thuật đặc biệt là kỹ sư Phạm Thế Dung ngày đó là Đốc công trưởng Công đoạn đã liên tục lên lớp bồi huấn kỹ thuật sửa chữa thiết bị mới mà trước đây trong trường CNKT Anh chưa được học, anh đã nắm vững các quy trình, quy định của ngành, đúc kết làm hành trang, vận dụng tốt hơn trong công tác sản xuất của Công đoạn.

Anh chia sẻ thêm: Hơn 30 năm gắn bó với nghề, khổ nhất là những lần đi xử lý sự cố và khắc phục các khiếm khuyết thiết bị trong đại tu, anh em công nhân phải dầm mình trong nước, trong dầu với không gian nhỏ chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu dưỡng khí để khắc phục những thiếu xót, khiếm khuyết thiết bị để đảm bảo đưa máy vào vận hành sớm nhất tránh những tổn thất thiệt hại cho Nhà máy, để dòng điện luôn được thắp sáng trên mọi miền Tổ Quốc. Nhiều khi khắc phục xong sự cố chỗ này, chưa kịp nghỉ ngơi lại nghe có tin báo sự cố chỗ khác và lại đi tiếp... Thế nên, để gắn bó lâu dài với nghề có lẽ phải có sự đam mê lắm mới có thể làm được. Làm anh thợ cơ khí ở NMTĐ khi xử lý sự cố là phải chạy đua với thời gian, làm sao đưa máy vào vận hành sớm nhất, hòa lưới điện nhanh nhất, nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị. Để đưa máy hòa lên hệ thống lưới điện nhanh và an toàn thì công tác quản lý vận hành sửa chữa các thiết bị cơ khí trong hang hầm lại còn khó hơn gấp bội phần. Làm thợ cơ khí trong nhà máy TĐ Hòa Bình vô cùng vất vả, không yêu nghề, không hết mình vì công việc dễ nảy sinh tâm lý chán nản, hiệu quả công việc sẽ không cao. Môi trường làm việc áp lực, nhiều vất vả và hiểm nguy rình rập vì sơ đồ thiết bị kín, nhiều ngăn lộ, nhiều ống, nhiều van... Tưởng là đơn giản nhưng phức tạp vô cùng, bởi người thợ không những phải giỏi về nghiệp vụ mà còn phải thông thạo các đường hầm, đường thoát hiểm. Anh Toàn cho biết thêm: Ngoài ra, với việc thi công tuyến năng lượng của các tổ máy khó khăn hơn bao giờ hết, bên người đủ các thứ đèn pin, dây thừng, đồ nghề, dụng cụ lỉnh kỉnh mà mồ hôi thấm đẩm cả bộ bảo hộ. Từ những sự vất vả ấy đã nảy ra trong đầu anh những ý tưởng làm sao cho công việc đỡ vất vả hơn. 

Anh luôn miệt mài với công việc

Từ ngày Nhà máy đi vào vận hành các tuyến năng lượng phía vào của 8 tổ máy chưa có phương pháp nào đưa được người - thiết bị vào để kiểm tra toàn tuyến. Tuyến tuy nen có độ dài 240 mét, đường kính 8 mét, độ sâu lớn và không kín nước là một công  việc khó ngoài ra đoạn cuối của tuyến tuy nen có độ dài trên 60 mét góc nghiêng 45 độ rất nguy hiểm và phức tạp. Với kiến thức tích lũy được và năng lực thực tế, anh Toàn đã cùng anh Phạm Thế Dung nảy sinh sáng kiến “ Thiết kế và chế tạo – Tổ hợp thiết bị kiểm tra tuyến năng lượng phía vào tổ máy có người đi cùng – Nhà máy thủy điện Hòa Bình”.  Để hoàn thiện ý tưởng anh Toàn cùng anh Phạm Thế Dung và CBCNV trong tổ chung tay khảo sát và thiết kế chế tạo Tổ hợp thiết bị kiểm tra tuyến năng lượng nói trên. Khi tổ hợp hoàn thiện, chạy thử đảm bảo an toàn và được áp dụng vào thực tế từ năm 2014. Từ năm 2014 đến nay các tuyến năng lượng 8 tổ máy của TĐ Hòa Bình đã được kiểm tra, đánh giá cường độ bê tông của tuyến năng lượng an toàn tuyệt đối, đây cũng là đề tài thi nâng bậc thợ từ 6 lên 7/7 của anh. Với sáng kiến này anh Toàn đã được TLĐLĐ Việt Nam Cấp bằng sáng tạo số 228/QĐ-TLĐ ngày 18/01/2017. Ngoài bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn anh liên tục nhận được bằng khen của các cấp như: Giải 3 tác phẩm báo chí về công nhân và Công đoàn Việt Nam năm 2008; Bằng khen của EVN năm 2009, 2018; Bằng khen của Liên đoàn Lao động Tỉnh Hòa Bình năm 2011; Giấy khen Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia năm 2012; Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2014; Bằng khen Công đoàn điện lực Việt Nam năm 2017; Công nhân lao động giỏi tiêu biểu toàn Tập đoàn  điện lực Việt Nam năm 2017. Với những thành tích trên anh được Công ty TĐ Hòa Bình đề nghị xét tặng “Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ III năm 2018”.  Những thành tích nói trên có sự đóng góp không nhỏ của CBCNV và các cấp lãnh đạo đơn vị. Ngoài công việc sửa chữa trong Công ty TĐ Hòa Bình anh còn được cử đi công tác tại các Công ty thủy điện khác như: Thủy điện Bản Vẽ; Thủy điện Hủa Na; Thủy điện Tà Thàng …Dù ở đâu anh cũng để lại những hình ảnh đẹp trong mắt mọi người.

Ông Phạm Thế Dung, Chủ tịch công đoàn Công ty thủy điện Hòa Bình, Quản đốc PXSCCK nói: “Anh Quách Đức Toàn là một trong những công nhân có nhiều kinh nghiệm, tay nghề giỏi, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tế đem lại hiệu quả cao trong công việc, là người nhiệt tình có nhiều kinh nghiệm, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm được giao.

                      Một trong số những thành tích mà anh Toàn được khen tặng

Kể về Anh Quách Đức Toàn thì còn nhiều chuyện để kể. Tôi vẫn biết ngày ngày anh vẫn đi làm với bộ bảo hộ trên chiếc xe máy cũ kỹ bình dị. Công ty TĐ Hòa Bình trước đây và Trung tâm dịch vụ sửa chữa EVN mới đây luôn tự hào về anh, người thợ cơ khí yêu nghề, nhiệt tình với công việc. Là hình ảnh  người thợ đẹp trong mắt mọi người, có tinh thần trách nhiệm cao, tận tâm trong công việc, với đôi bàn tay người thợ hăng say lao động giữ cho các vòng quay của tổ máy an toàn ổn định đảm bảo cho dòng điện huyết mạch của quốc gia được đảm bảo thông suốt, vươn tới những vùng sâu, vùng xa của mọi miền tổ Quốc.

Câu chuyện về anh đã để lại cho các em, các cháu, những người thợ trẻ khát vọng đóng góp sức mình cho ngành điện nhiều hơn. Khát vọng đó được nhen lên từ sự ngưỡng mộ, từ tình yêu, từ tấm lòng nhân ái và sự hy sinh không hề đòi hỏi sự đáp đền.

 

Đặng Tài Tuấn - EVNPSC tại thủy điện Hòa Bình