Cán bộ kỹ thuật EVNPSC thực hiện công tác thí nghiệm thiết bị tại NMTĐ Tuyên Quang
Có lẽ khi nhắc đến ngành điện, nhiều người sẽ nhớ ngay đến những người thợ sản xuất điện, truyền tải điện chứ không phải ai cũng ngay lập tức nhớ đến những người lặng lẽ làm nhiệm vụ sửa chữa điện. Tuy nhiên, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để đảm bảo nguồn điện vận hành thông suốt. Chính vì lẽ đó, ngay từ khi ra đời, EVNPSC đã mang trên mình trọng trách quan trọng là đáp ứng nhu cầu sửa chữa chuyên nghiệp cho các nhà máy điện trong và ngoài EVN; trở thành một thương hiệu có năng lực cạnh tranh hàng đầu trong nước và khu vực. Đồng thời, tối ưu hóa chi phí sửa chữa; quản lý và sử dụng vốn, tài sản hiệu quả và đúng quy định.
Lặng lẽ giờ tan ca - Nhà máy thủy điện Huội Quảng
Cũng chính vì lẽ đó, EVN đã “chọn mặt gửi vàng”, quyết định điều động và bổ nhiệm lãnh đạo là những người từng đứng đầu những công trình thủy điện thế kỷ của đất nước, đảm bảo không những đáp ứng tiêu chuẩn về chuyên môn mà còn thực sự tâm huyết, yêu nghề và hiểu về nghề từ chân tơ kẽ tóc. Nhiều cán bộ công nhân có năng lực chuyên môn giỏi, đạo đức phẩm chất tốt từ các nhà máy thủy điện trực thuộc cũng được điều động về trung tâm nhằm tạo động lực cho sự phát triển. Và những quyết định đó của EVN, đến thời điểm này, đều đúng.
Theo đó, nguồn nhân lực là một trong những yếu tố đầu tiên EVNSPC tập trung đầu tư để tạo uy tín, chất lượng cho những công trình được giao nhiệm vụ sửa chữa. Tiếp nhận nguyên trạng nhân lực từ các Phân xưởng sửa chữa tại các công ty thủy điện với tổng số 855 người, vượt qua những khó khăn do địa bàn quản lý rộng và dàn trải, công tác sửa chữa tại các nhà máy có thay đổi nhiều, ngay sau khi tiếp nhận, trung tâm đã cử CBCNV đi đào tạo về các nghiệp vụ chuyên môn, chuyên ngành về công tác kỹ thuật, công tác an toàn, công tác tài chính... Trong công tác đào tạo thường xuyên đã thực hiện các chương trình bồi huấn và đào tạo bồi dưỡng nghề; tổ chức thi giữ bậc, nâng bậc và kiểm tra sát hạch nghề đảm bảo theo kế hoạch.
Nâng, hạ cửa van hạ lưu NMTĐ Sơn La
Đặc biệt để chuẩn bị cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2020 và các năm tiếp theo như sửa chữa lớn, nâng cấp thay thế Bánh xe công tác của tua bin, cáp dầu áp lực của Thủy điện Hòa Bình; sửa chữa đối với các Trạm GIS, nhà máy nhiệt điện… Trung tâm đã tổ chức các đợt, các lớp đào tạo và cử CBCNV đi học tập, tìm hiểu tại các đơn vị trong và ngoài EVN nhằm trang bị kiến thức cho đội ngũ kỹ sư kỹ thuật sẵn sàng thực hiện công việc được giao.
Song song với đó, toàn bộ tài sản, công cụ dụng cụ phục vụ sửa chữa và cơ sở hạ tầng do các Phân xưởng sửa chữa quản lý và sử dụng trước đây từ các công ty thủy điện đã được các Phân xưởng cùng với các Công ty Thủy điện kiểm tra và bàn giao nguyên trạng sang Trung tâm, đảm bảo điều kiện làm việc liên tục của các Phân xưởng từ thời điểm bàn giao. Ngay sau khi tiếp nhận, Trung tâm đã làm thủ tục bàn giao quản lý và sử dụng cho các Phân xưởng theo quy định của Tập đoàn. Ngoài ra, các Phân xưởng đã rà soát, lập danh mục các trang thiết bị, dụng cụ thiết yếu thay thế, bổ sung báo cáo Lãnh đạo Trung tâm xem xét và làm thủ tục trang bị trong năm 2019 theo quy định.
Từ động lực là nguồn nhân lực chất lượng, là kinh nghiệm được đúc rút từ nhiều năm vận hành các công trình lớn, Trung tâm đã lập tức tiếp nhận thực hiện 92 danh mục sửa chữa lớn từ các công ty thủy điện. Toàn bộ công tác sửa chữa lớn sau khi tiếp nhận đã được Trung tâm triển khai thực hiện bắt đầu từ ngày 1/4/2019 theo đúng nội dung bàn giao và quy định về công tác phối hợp giữa trung tâm và các công ty phát điện đã được Tập đoàn ban hành.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 - Triển khai nhiệm vụ năm 2020
Tròn 1 năm đi vào vận hành - một khoảng thời gian còn hết sức ngắn ngủi chưa thể nói về những thành tích của một doanh nghiệp trên bước đường phát triển, nhưng với những gì mà EVNPSC làm được về công tác tổ chức bộ máy, tiếp nhận dịch vụ, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài, nắm bắt nhu cầu, tìm kiếm đối tác, triển khai các công trình sửa chữa lớn đáp ứng yêu cầu của EVN giao là những cố gắng rất đáng ghi nhận. Vốn là một ngành nghề mang tính đặc thù cao, đòi hỏi cán bộ, công nhân viên không chỉ tinh thông về nghiệp vụ chuyên môn, mà phải gương mẫu, trách nhiệm, nhiệt tình, tận tụy với công việc mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao, tin rằng, ở nơi những giọt mồ hôi của những người thợ sửa chữa đứng sau những công trình điện rơi xuống sẽ là từng dòng, từng dòng điện được phát lên đều đặn, ổn định, góp phần quan trọng giữ nhịp độ tăng trưởng kinh tế, góp phần quan trọng cho sự phát triển vững mạnh của đất nước.