Trực ban của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đêm 10/11 báo cáo tình hình thiệt hại sau bão số 6
Theo Ban Chỉ đạo, hồi 23h00 ngày 10/11, bão số 6 đã đổ bộ vào khu vực ven biển Phú Yên, Khánh Hòa và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới; sức gió mạnh nhất cấp 7, giật cấp 9.
Do ảnh hưởng bởi bão, các tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 100 - 150mm, một số nơi có lượng mưa lớn như: Tam Trà (Quảng Nam) 275mm; Ba Lễ (Quảng Ngãi) 325 mm; Hoa Sơn (Khánh Hòa) 331mm; Hòa Thịnh (Phú Yên) 342mm; Cư Yang (Đắk Lắk) 314mm.
Dự báo, ngày hôm nay, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 50-150mm/24h.
Đối với ngành Điện, theo Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN EVN, do ảnh hưởng bão số 6, có trên 200.000 khách hàng chủ yếu ở Phú Yên bị mất điện. Trong đó, một phần khách hàng được ngành Điện chủ động cắt để đảm bảo an toàn và một phần do bão gây sự cố.
Các đơn vị Điện lực tại miền Trung đã nỗ lực xử lý sự cố lưới điện do ảnh hưởng bão ngay trong tối và đêm 10/11 nên đến sáng nay đã khôi phục cấp điện được cho khoảng 40.000 khách hàng. Dự kiến đến hết ngày hôm nay sẽ cơ bản khôi phục cấp điện cho các khách hàng bị ảnh hưởng do bão, ngoại trừ những khu vực ngập sâu, chia cắt buộc phải tạm thời cắt điện chủ động để đảm bảo an toàn.
Cũng theo Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN EVN, lưới điện 110-500kV vận hành bình thường. Các hồ chứa thủy điện thuộc EVN đang vận hành theo các quy trình liên hồ/đơn hồ, mức nước các hồ chứa khu vực bị ảnh hưởng đang dưới mức nước theo quy trình điều tiết liên hồ, đơn hồ (trừ Sông Ba Hạ đạt đỉnh lũ 2.300 m3/s lúc 22h ngày 10/11, xả qua cửa xả 1.000m3/s, tổng xả 1.400m3/s). Dung tích phòng lũ các hồ chứa từ Quảng Nam đến Khánh Hòa, khu vực Tây Nguyên tương ứng còn gần 2 tỷ m3.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Quang – Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, đánh giá thiệt hại do bão gây ra, đồng thời khẩn trương khôi phục hệ thống điện bị sự cố ở Phú Yên và vệ sinh môi trường sau bão.
Ông Nguyễn Đức Quang yêu cầu cần kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu để chủ động sơ tán người dân và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn. Theo dõi sát diễn biến mưa lũ, tổ chức vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn công trình và hạ du cũng như đảm bảo nguồn nước phát điện, phục vụ sản xuất. Tổ chức trực ban nghiêm túc để chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết nguy hiểm có thể xảy ra.