Nguồn than trong nước dần cạn kiệt
Nằm ngay tại vùng than Quảng Ninh, nhưng hơn 7 tháng năm 2019, mức dự trữ than của Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh chỉ đảm bảo cho các tổ máy hoạt động được từ 2 - 6 ngày, trong khi yêu cầu đặt ra là phải đủ than cho 12 ngày vận hành. Ông Ngô Sinh Nghĩa - Phó Tổng giám đốc phụ trách Công ty cho biết, tình hình các tháng cuối năm 2019 còn khó khăn hơn, khi khối lượng than yêu cầu phải là 1,98 triệu tấn, nhưng lượng than còn lại so với hợp đồng đã ký chỉ còn 1,87 triệu tấn.
Tại Công ty Nhiệt điện Uông Bí, thời gian qua, việc tổ chức tiếp nhận than gặp rất nhiều khó khăn, lượng than nhập hàng ngày không đáp ứng đủ yêu cầu đã đăng ký, khối lượng tồn kho luôn rất thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Lãnh đạo Công ty này cho rằng, nếu không sớm được bổ sung nguồn than nhập khẩu để tiến hành pha trộn nhiên liệu, nguy cơ phải dừng tổ máy là hiện hữu. Thực tế, nỗi lo thiếu than đang là nỗi lo chung của hầu hết các nhà máy nhiệt điện than.
Đại diện TKV cho biết, năm 2019, nhu cầu sử dụng than của các hộ trong nước tăng cao, đặc biệt là than cho sản xuất điện. Chỉ riêng TKV sẽ phải đảm bảo cung cấp khoảng 35,5 triệu tấn cho phát điện, tăng khoảng 23% so với thực hiện năm 2018. Nhu cầu tăng, nhưng khả năng khai thác than của TKV không thể tăng, do trữ lượng than đang dần cạn kiệt và công nghệ khai thác than trong nước gặp nhiều khó khăn khi phải khai thác xuống sâu.
Kho than của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1
Về lâu dài, đến năm 2030, dự báo nhu cầu than cho sản xuất điện sẽ lên tới 120 triệu tấn, chiếm hơn 80% tổng nhu cầu than trong nước. Trong khi đó, sản xuất than trong nước dự báo chỉ đạt từ 42 - 50 triệu tấn/năm. Trong tương lai, an ninh năng lượng quốc gia phụ thuộc rất lớn vào nguồn than nhập khẩu từ thị trường thế giới. Hơn nữa, vấn đề đặt ra là, không chỉ “gom” đủ số lượng than, mà chủng loại, chất lượng than nhập khẩu cũng là chuyện phải quan tâm. Nếu nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiều nguồn than, chủng loại than với chất lượng khác nhau sẽ làm cho lò hơi vận hành không ổn định, dẫn đến tăng suất tiêu hao than, suất hao nhiệt của tổ máy.
EVN chủ động nhập than
Trước tình hình trên, EVN thường xuyên báo cáo với Bộ Công Thương để kịp thời được tháo gỡ các vướng mắc về nguồn than cho điện, đồng thời chủ động làm việc với các đối tác TKV, Tổng công ty Đông Bắc, về vấn đề đảm bảo đủ than cho phát điện. EVN cũng đã giao các tổng công ty phát điện, các công ty nhiệt điện than đàm phán, điều chỉnh hợp đồng cung cấp than năm 2019 và ký kết các hợp đồng than trung hạn, dài hạn với các đối tác nói trên, trong đó, EVN lưu ý các đơn vị phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng than cũng như tiến độ giao than.
Không chỉ phụ thuộc vào các nhà cung cấp than trong nước, ngay từ năm 2017, EVN cũng đã chủ động nhập than bitum, sub-bitum và từ năm 2019, tiến hành nhập than antraxit.
Việc nhập khẩu than sẽ được EVN thực hiện theo chiến lược “dài hơi” qua việc tăng cường ký kết các hợp đồng trung, dài hạn với đối tác quốc tế. Các tổng công ty phát điện đã chủ động tìm kiếm, đảm bảo có ít nhất 2 nhà thầu cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu, góp phần tăng khả năng dự phòng. Đồng thời, các đơn vị còn tiến hành nạo vét luồng lạch tại các cảng biển, góp phần nâng cao năng lực tiếp nhận các tàu than lớn.
Song song với việc đa dạng hóa nguồn nhiên liệu, EVN cũng yêu cầu các nhà máy nhiệt điện nghiên cứu, khẩn trương ứng dụng giải pháp công nghệ hiện đại, tiến tới xây dựng chế độ vận hành hợp lý các tổ máy phù hợp với đa dạng các nguồn nhiên liệu than khác nhau. Qua đó, nâng cao độ tin cậy, năng lực vận hành linh hoạt của các nhà máy nhiệt điện than. Với việc triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp trên, EVN đang tích cực thực hiện mục tiêu đảm bảo nhiên liệu, đáp ứng đủ than cho phát điện theo chỉ đạo của Chính phủ.
Năm 2019, TKV ước tính sẽ phải nhập khẩu 4,7 - 5 triệu tấn than
để pha trộn, bù đắp cho lượng than nội địa còn thiếu hụt.