Dự buổi khai mạc có đại diện lãnh đạo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương); đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng; các chuyên gia Tổ tư vấn của Hội đồng An toàn bậc thang thủy điện sông Đà; đại diện lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Sơn La.
Ông Nguyễn Quốc Chính, Phó trưởng Ban Kỹ thuật - Sản xuất EVN cho biết: Các nhà máy thủy điện (NMTĐ) của EVN có tổng công suất khoảng 13.000MW (nguồn thủy điện trên toàn hệ thống hiện nay hơn 18.000MW), với tổng dung tích hữu ích các hồ chứa gần 31 tỷ m3. Nhiều đập thủy điện cao trên 100m, thuộc loại siêu cao của Việt Nam và thế giới. Các NMTĐ của EVN đã góp phần quan trọng trong đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.
EVN luôn chỉ đạo các công ty thủy điện trực thuộc vận hành công trình đảm bảo an toàn tuyệt đối, tuân thủ các quy trình vận hành liên hồ chứa và hồ chứa được phê duyệt, góp phần tích cực trong việc cắt giảm lũ và điều tiết dòng chảy cho hạ du. Tập đoàn cũng yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai hai văn bản pháp lý quan trọng là Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 về Quản lý An toàn đập, hồ chứa nước và Thông tư 09/2019/TT-BCT ngày 8/7/2019 Quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
Khóa bồi huấn này là cơ hội tốt để các học viên học hỏi, trao đổi với các chuyên gia đầu ngành; cũng như tìm hiểu, cập nhật và trao đổi kinh nghiệm hay giữa các đơn vị trong lĩnh vực quản lý an toàn công trình thủy điện.
Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Phạm Trọng Thực – Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá các đơn vị quản lý vận hành đập, hồ chứa thủy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực này.
Cũng theo ông Phạm Trọng Thực, trong thực tế, các chủ sở hữu/tổ chức khai thác đập, hồ chứa thủy điện vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Hiện chưa có quy định cụ thể về phương pháp/cách xác định vùng hạ du của từng hồ chứa gây khó khăn cho các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện trong việc xác định ranh giới vùng hạ du đập do mình quản lý, đặc biệt là đối với tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập. Cùng với đó, mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn trên các lưu vực sông còn thưa, trong khi diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, chất lượng dự báo mưa, lũ chưa cao gây khó khăn cho công tác vận hành hồ chứa…
Ngoài ra, pháp luật hiện hành chưa có quy định về xác định và quản lý hành lang thoát lũ - một yêu cầu quan trọng trong việc bảo đảm an toàn cho vùng hạ du. Hiện nay, hành lang thoát lũ của nhiều hồ chứa thủy điện lại có đông dân cư sinh sống, sản xuất nông nghiệp,... nên có tình huống mới xả khoảng 45-50% lưu lượng đã gây thiệt hại tài sản và nguy cơ gây mất an toàn cho vùng hạ du.
“Với trách nhiệm của mình, để đảm bảo an toàn cho công trình, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các chủ sở hữu/tổ chức khai thác đập, hồ chứa thủy điện thực hiện đúng, đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện; phối hợp chặt chẽ với các bộ có liên quan để tháo gỡ những vướng mắc trên. Với những vấn đề vượt thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý ”, ông Phạm Trọng Thực cho biết.
Ông Phạm Trọng Thực - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuận an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phát biểu
Các đại biểu tham dự khóa bồi huấn