Công nhân EVNPSC sửa chữa tổ máy của Nhà máy Thủy điện Ialy.
PV: Thưa ông, là đơn vị mới thành lập, công tác kiện toàn bộ máy nhân lực để người lao động yên tâm công tác được đơn vị thực hiện ra sao?
Ông Bùi Công Luận: EVNPSC được thành lập theo Quyết định số 299/QĐ-EVN ngày 22/11/2018 của Hội đồng thành viên EVN. Với nhiệm vụ chính được giao là thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng và sửa chữa các tổ máy và hệ thống thiết bị công nghệ của 11 nhà máy thủy điện tại 7 công ty thủy điện trực thuộc EVN với tổng công suất 8.642 MW.
Ngay sau khi thành lập, Trung tâm đã phối hợp với các Ban chuyên môn của Tập đoàn và 7 công ty thủy điện thực hiện tiếp nhận nguồn lực và công tác sửa chữa lớn theo đúng chỉ đạo của Tập đoàn. Trung tâm đã kiện toàn BCH Đảng bộ Trung tâm, kiện toàn cấp uỷ tại 11 Chi bộ và kiện toàn Công đoàn Trung tâm.
Sau khi kiện toàn bộ máy tổ chức, Ban lãnh đạo EVNPSC giao nhiệm vụ cho 7 Trưởng đại diện là các Quản đốc Phân xưởng sửa chữa tại 7 công ty thủy điện kiêm nhiệm để quản lý 16 phân xưởng sửa chữa tại các Công ty để đáp ứng yêu cầu cao nhất nhiệm vụ được giao.
PV: Với đặc thù quản lý nhân lực ở nhiều nhà máy với địa bàn trải dài khắp cả nước, số lượng người lao động lớn, không tập trung, đây có phải là khó khăn đối với Trung tâm?
Ông Bùi Công Luận: Đúng vậy! Địa bàn quản lý của Trung tâm là các Nhà máy có địa điểm phân tán tại 3 miền trên cả nước nên thời điểm đầu từ khi thành lập Trung tâm đã có những khó khăn nhất định trong công tác xây dựng mô hình quản lý hoạt động của Trung tâm tại mỗi Công ty thủy điện.
Cùng với đó môi trường và cách thức làm việc tại các nhà máy thủy điện trước khi tiếp nhận chưa đồng nhất. Ngoài ra, tuổi đời bình quân lao động của một số nhà máy như Hoà Bình, Ialy, Trị An cao, việc thu hút lực lượng lao động có tay nghề cao, trình độ chuyên môn tốt đáp ứng được yêu cầu công việc còn nhiều khó khăn.
PV: Vậy giải pháp để EVNPSC thực hiện tốt công tác quân tâm đến người lao động như thế nào?
Ông Bùi Công Luận: Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tập đoàn cùng với sự phối hợp tốt với các Công ty thủy điện với mục tiêu chung là thực hiện kế hoạch sửa chữa tại các nhà máy an toàn và liên tục, đảm bảo chất lượng và tiến độ nên ngay sau khi tiếp nhận, công tác sửa chữa tại các nhà máy được thực hiện theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt, toàn thể CBCNV của Trung tâm đã ổn định nơi ở, làm việc và yên tâm công tác.
Và để người lao động yên tâm công tác EVNPSC đã đặt ra mục tiêu phải đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động bằng hoặc cao hơn so với trước đây. Trên cơ sở đó, Trung tâm đề ra giải pháp: Phối hợp chặt chẽ với các công ty thủy điện trong công tác lập, thực hiện kế hoạch sửa chữa lớn với nguyên tắc luôn chủ động, sẵn sàng thực hiện các chế độ sửa chữa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và chất lượng trong thời gian nhanh nhất. Thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm giá thành, nâng cao năng suất lao động như: Tiết kiệm chi phí, chống lãng phí, không vượt kế hoạch chi phí được giao. Hoàn thiện bổ sung, sửa đổi các quy chế quy định hiện có để phù hợp với tình hình thực tế của Trung tâm và bổ sung các quy chế, quy định mới của Nhà nước và của Tập đoàn.
Ông Bùi Công Luận - Phó Giám đốc EVNPSC.
Xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ EVN giao hàng tháng, và cả năm. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế đánh giá kết quả thực hiện công việc theo hiệu quả, năng suất và chất lượng theo hệ thống chỉ số đo lường hiệu suất (KPIs). Hiện đại hóa công tác quản lý thông qua việc trang bị các công cụ và áp dụng các chương trình phần mềm phục vụ quản lý điều hành các mặt hoạt động. Đảm bảo các chế độ chính sách và tiền lương cho người lao động theo quy định của Nhà nước và của Tập đoàn. Hoàn thiện cơ chế quản lý lao động, cải cách tiền lương gắn với việc đánh giá chỉ tiêu KPI.
Đồng thời áp dụng khoa học tiên tiến, ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD, tăng năng suất lao động cho Trung tâm. Thực hiện các các phần mềm dùng chung hoặc tích hợp đồng bộ trong EVN phù hợp với điều kiện làm việc của Trung tâm tại các Nhà máy trải rộng trên khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam. Khuyến khích các đơn vị và các cá nhân trong Trung tâm tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ có chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn, giá thành hợp lý, có thể áp dụng trong hoạt động sửa chữa của Trung tâm để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong quá trình sửa chữa.
PV: Việc sửa chữa các NMTĐ mang tính thời vụ, nhiều thời điểm công việc rất ít. Vậy EVNPSC có tính toán nghiên cứu để làm thêm các dịch vụ, ngành nghề khác thuộc lĩnh vực đăng ký kinh doanh để nâng cao đời sống CBCNV không thưa ông? Và nếu có cụ thể như thế nào?
Ông Bùi Công Luận: Chắc chắn là có. Hiện nay, EVNPSC nghiên cứu xây dựng Trung tâm thành đơn vị sửa chữa chuyên nghiệp, năng động sáng tạo và mở rộng phạm vị sửa chữa sang những lĩnh vực sửa chữa loại hình khác ngoài lĩnh vực thủy điện như: nhiệt điện, điện gió, điện khí, điện năng lượng mặt trời,… nâng cao năng suất lao động và thu nhập cho CBCNV toàn Trung tâm. Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý sửa chữa, công nhân lành nghề. Tổ chức công tác kiểm tra, sát hạch, đánh giá định kỳ thông qua công tác thi nâng bậc, giữ bậc, kiểm tra trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đánh giá hiệu quả công việc để đảm bảo đủ năng lực thực hiện công việc theo quy trình, quy phạm.
Ngoài ra để tăng thêm việc làm, thu nhập cho người lao động, EVNPSC sẽ chủ động tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường bên ngoài bao gồm cả thuỷ điện, điện mặt trời và nhiệt điện, từng bước làm chủ công nghệ, nâng cao tay nghề cho người lao động đảm bảo có thể đảm nhiệm công tác sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tại các nhà máy nhiệt điện và điện mặt trời trực thuộc Tập đoàn ngay khi được Tập đoàn giao thực hiện từ năm 2020.
PV: Đặc thù của đơn vị là làm công tác sửa chữa thiết bị với tính chất nguy hiểm luôn tiềm ẩn. Vậy EVNPSC đề ra giải pháp, xây dựng quy trình, quy chế gì để đảm bảo an toàn cho người lao động?
Ông Bùi Công Luận: Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động và trang thiết bị, máy móc thi công, chúng tôi đã xây dựng và ban hành đầy đủ các quy trình, quy định về ATLĐ, PCCN trong các công tác sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên, khắc phục sự cố…
Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ tại các Nhà máy. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy trình, quy định an toàn lao động tại hiện trường tại các Nhà máy. Đặc biệt, xem xét các hình thức xử lý nghiêm đối với lãnh đạo của đơn vị khi để xảy ra tai nạn lao động do nguyên nhân chủ quan.
Triển khai tập huấn nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao trình độ, nghiệp vụ kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị trong toàn Trung tâm.
PV: Xin cảm ơn ông!
Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN là đơn vị hạch toán phụ thuộc EVN thành lập trên cơ sở tách bộ phận sửa chữa của các công ty thủy điện thuộc EVN gồm: Thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Huội Quảng – Bản Chát, Tuyên Quang, Trị An, Ialy và Công ty Phát triển Thủy điện Sê San. Tổng số CBCNV là 860 người.
Ngành nghề kinh doanh chính:
+ Dịch vụ, sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu thiết bị điện, cơ khí, điều khiển, tự động hóa trong các nhà máy thủy điện;
+ Thí nghiệm, hiệu chỉnh thiết bị điện, công trình đường dây và TBA;
+ Tư vấn, quản lý dự án; tư vấn khảo sát thiết kế…;
+ Xây lắp các công trình điện; gia công cơ khí;
+ Mua bán, xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị ngành Điện;
+ Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực liên quan đến lĩnh vực điện.
|