Tin ngành điện

EVN phấn đấu trở thành tập đoàn năng lượng – công nghệ với mức độ tự động hoá cao

Thứ tư, 13/4/2022 | 16:15 GMT+7
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết tâm phát huy nội lực, chủ động, đổi mới sáng tạo và tận dụng tối đa sự hợp tác, liên kết với các đối tác trong nước và quốc tế, phấn đấu trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong nước và khu vực về tự động hóa. Định hướng này được Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành chỉ đạo tại Hội nghị “Tự động hóa ngành Điện trong xu thế chuyển đổi số”, chiều 12/4.

Ưu tiên đẩy mạnh, phát triển tự động hóa

Đây là năm thứ hai, EVN thực hiện "Đề án tổng thể chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đến năm 2020, tính đến năm 2025", nhằm hiện thực hóa chủ đề năm "Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả", cũng như hoàn thành các mục tiêu cơ bản để đưa EVN trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025. Chủ tịch HĐTV EVN khẳng định, tự động hóa sẽ là lựa chọn ưu tiên phát triển của EVN trong thời gian tới, nhằm đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển bền vững và bắt kịp xu thế công nghệ với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh mẽ, chiếm tỷ lệ lớn trong hệ thống điện quốc gia, việc chủ động và tự chủ về công nghệ trong tự động hóa càng cần được chú trọng. 

Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Lãnh đạo EVN cũng cho biết, thời gian tới, EVN tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh các mục tiêu, giải pháp về tự động hóa đã được HĐTV ban hành tại Nghị quyết số 51/NQ-HĐTV ngày 28/01/2019, với mục tiêu tiếp tục tự chủ và từng bước làm chủ công nghệ, tiến đến cơ bản làm chủ và tự thực hiện phần lớn các công việc về tự động hóa ở tất cả các đơn vị.

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành (bên phải) thăm gian trưng bày sản phẩm "Hệ thống nhận biết, cảnh báo, điều khiển tự động trên máy đánh phá đống NMNĐ Duyên Hải 1" của Tổng công ty Phát điện 1

EVN và các đơn vị tiếp tục thu thập, quản lý và khai thác tự động, hiệu quả dữ liệu phục vụ vận hành, điều hành hệ thống điện quốc gia; đẩy mạnh việc quản lý và khai thác dữ liệu trên các nền tảng phân tích thông minh, phân tích dự báo và phân tích đề xuất được nhúng trong các hệ thống điều khiển; nghiên cứu các công cụ, giải pháp tự động hóa kết hợp trí tuệ nhân tạo, từng bước áp dụng để hướng tới một hệ thống tự động hóa tiên tiến trong tương lai – Hệ thống Hyperautomation.

Cùng với đó, tiếp tục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực về tự động hóa theo Đề án phát triển nguồn nhân lực của EVN, trong đó đặt mục tiêu xây dựng đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên sâu, cũng như lực lượng kỹ sư vận hành, khai thác và phát triển các hệ thống tự động hóa.

Các đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm hệ thống giám sát và dự báo điện mặt trời mái nhà khu vực TP.HCM của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia

Đầu tư triển khai tự động hóa có trọng tâm, trọng điểm

Để đạt được các mục tiêu, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch và lộ trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng tự động hóa phù hợp với thực tế từng lĩnh vực của EVN, không làm dàn trải. Các sản phẩm tự động hóa được ưu tiên đầu tư và khuyến khích phát triển theo Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Lộ trình này phải phù hợp với Chiến lược phát triển EVN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 01/4/2021.

Các đại biểu tham quan gian hàng của Tổng công ty Phát điện 2 với các sản phẩm "Hệ thống cảnh báo từ xa cho hạ du khi xả nước điều tiết và vận hành phát điện nhà máy thủy điện sông Ba Hạ" và "Hệ thống giám sát thiết bị online Nhà máy Thủy điện A Vương"

EVN cũng khuyến khích các đơn vị đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các ứng dụng tự động hóa vào mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh; xây dựng khung năng lực và tổ chức đào tạo bổ sung nguồn nhân lực đáp ứng quá trình tự động hóa theo đúng mục tiêu đề ra.

Lãnh đạo EVN cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường nghiên cứu, lựa chọn ứng dụng có chiều sâu và theo chiều rộng các công nghệ của CMCN 4.0 và công nghệ kỹ thuật số trong công tác tự động hóa, ưu tiên các khuyến khích phát triển các sản phẩm trong cân bằng tải, điều khiển và tối ưu hóa quy trình, kiểm soát hoạt động của nhà máy điện, quản lý và tối ưu hóa nhiên liệu, kiểm tra giám sát hệ thống lưới điện..., với nguyên tắc lấy tính linh hoạt làm trung tâm – các hệ thống tự động hóa cần phải đáp ứng được nhiều các chủng loại thiết bị khác nhau.

Các đại biểu tham quan gian hàng của Tổng công ty Điện lực miền Nam với sản phẩm "Điều khiển từ xa vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao lưới điện 220kV"

Song song đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ; xây dựng lộ trình, chương trình hợp tác và chuyển giao công nghệ với các trường, viện nghiên cứu, các tập đoàn công nghệ, công nghiệp trong nước, tạo nên mạng lưới nghiên cứu, hỗ trợ, chia sẻ, huy động được lực lượng trẻ, có trình độ chuyên môn để tạo những nguồn lực kế cận, cũng như phối hợp để thực hiện các nhiệm vụ đề ra; chủ động nắm bắt các chính sách, hỗ trợ của nhà nước về tự động hóa để tối ưu hóa các nguồn lực phát triển, đảm bảo lợi ích của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như các lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành trao đổi với lãnh đạo EVNCPC về các sản phẩm Make by EVN tại gian hàng của tổng công ty

Lãnh đạo EVN cũng bày tỏ sự tin tưởng vào tinh thần sáng tạo, sự nỗ lực không ngừng của toàn thể cán bộ công nhân viên, sẽ đưa EVN sẽ trở thành một trong các doanh nghiệp hàng đầu trong nước và khu vực về tự động hóa, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam là một đất nước đổi mới và sáng tạo.

 

 

Theo: evn.com.vn